Le Corbusier qua cặp kính tròn của ông

Chắc hẳn mọi người đều biết đến Le Corbusier qua cặp kính tròn của ông, qua niềm yêu thích với vật liệu bê tông và tình yêu bất diệt với chủ nghĩa hiện đại nhưng mấy ai thực sự biết về ông ấy?

Le Corbuiser không chỉ là kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 mà còn là một nghệ sĩ, nhà lý thuyết và là người có vai vế trong xã hội. Được dẫn dắt bởi kiến trúc sư August Perret và Peter Behrens, nhận được không ít lời phê bình từ những người như Jane Jacobs cộng thêm danh tiếng trên toàn thế giới, di sản mà Le Corbusier để lại là không thể phủ nhận được. Không hề để tâm đến các cuộc tranh cãi, Le Corbusier luôn ưa thích câu niệm chú “Kiến trúc hay Cách mạng” (Architecture or Revolution), kiểu cấu trúc được gọi là “chống chủ nghĩa nhân văn”. Trong khi một số ý kiến cho rằng những công trình của ông xứng đáng là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận thì một số khác lại muốn phá hủy chúng.

  • Năm 1904, khi đó ông 16 tuổi, một trong số những giáo viên của ông muốn ông trở thành kiến trúc sư và Le Corbusier đã đồng ý.
  • Năm 1905, vào năm Le Corbusier 17 tuổi rưỡi, ông xây dựng ngôi nhà đầu tiên trong sự nghiệp. Ông gọi đó là một “nỗi kinh hoàng mà ông không bao giờ muốn nhìn lại”.
  • Trong chuyến du lịch vào mùa đông năm 1907, ông đã gặp các nghệ sĩ Gustav Klimt và Josef Hoffman.
    Một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của Le Corbusier là một tu viện Carthusian, tu viện của Ema gần Florence. Sau chuyến thăm vào năm 1907, ông đã viết: “Trong quang cảnh trữ tình của Tuscany tôi thấy một thành phố hiện đại bao quanh ngọn đồi”. Việc bố trí các tu viện cũng ảnh hưởng đến bố cục của La Tourette.
  • Từ 1908-1909, ông làm việc tại Paris với anh em nhà Perret. “Khi làm việc với Perrets, tôi thấy bê tông là gì, các hình thức biến đổi mà nó đòi hỏi. Bốn tháng ở Paris nói với tôi: Logic, sự thật, trung thực, nằm sau những giấc mơ hướng đến nghệ thuật trong quá khứ (…) Paris cũng nói với tôi: hãy đốt cháy hết mình với những gì bạn yêu thích, hãy yêu mến những gì bạn đã đốt cháy hết mình”.
  • Năm 1911, ông bắt đầu cuộc hành trình đi về phía Đông và những gì được chứng kiến làm ông vô cùng kinh ngạc. Những nhà thờ Hồi giáo của Istanbul mang “hình dáng cơ bản cấu tạo bởi các hình vuông, khối lập phương, hình cầu”. Còn đền Parthenon với ông là một “sáng tạo thuần túy của tinh thần, một cỗ máy cảm xúc (…) và đã tận dụng khôn ngoan, chính xác và kỳ diệu hiệu ứng ánh sáng”.
  • Năm 1912-1916, Le Corbusier quay trở lại Chaux-de-Fonds: “Tôi không thích thành phố này và trên lý thuyết là cả những con người ở đây nữa. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì ở đây, chỉ thấy hổ thẹn với bản thân mình…” Ông xây dựng sáu ngôi nhà, một trong số chúng là La Villa Schwob. Tại đây lần đầu tiên ông tạo ra một quá trình xây dựng công nghiệp bằng bê tông sử dụng các yếu tố tiêu chuẩn hóa. Ông gọi đó là “Dom-ino” (Domus: ngôi nhà, ino: sự đổi mới).
  • Từ năm 1917 – 1920, ông định cư tại Paris. Trong khi chờ đợi để trở thành kiến trúc sư vĩ đại nhất của thế kỷ 20, ông thường vẽ vào buổi sáng. Bức tranh đầu tiên của ông mang tên “Những chiếc ống khói”. “Hội họa là một trận chiến kinh hoàng, dữ dội, không thương xót, không một nhân chứng, đó là một cuộc đấu tay đôi giữa các nghệ sĩ và bản thân anh ta. Cuộc chiến nội tâm chưa xác định giữa bên trong và bên ngoài”.
  • Cũng trong khoảng thời gian này, ông gặp Fernand Leger. Cùng với họa sĩ Ozenfant, ông thành lập phong trào chủ nghĩa thuần tuý, thành lập tạp chí “L’Esprit Nouveau” (Tinh thần mới), và tại đây lần đầu tiên ông sử dụng chữ ký Le Corbusier.
  • Sau khi lập kế hoạch cho “Ville Contemporaine”, một thành phố hiện đại cho ba triệu cư dân (1922), ông đã lập “Kế hoạch Voisin”, một dự án cho việc hiện đại hóa triệt để Paris. Ville Contemporaine là một trong những dự án không được thực hiện của Le Corbusier. Dự án gồm một loạt tòa nhà 60 tầng. Những tòa cao ốc này có dạng hình chữ thập và có sân bay ở trên mái để máy bay thương mại có thể bay qua lại các tòa nhà.
  • Năm 1924, ông thành lập văn phòng kiến trúc ở số 35 phố Sevres, Paris với người em họ của ông – Pierre Jeanneret. “Các đường thẳng là kết quả lớn của kiến trúc hiện đại và đó là một lợi ích. Chúng ta phải làm sạch tinh thần chứa đầy sự viển vông”.
  • Ông xây dựng La Ville Le Lac ở Corseaux cho mẹ của mình bên hồ Léman. Bà ấy sống ở đó cho đến khi qua đời năm 1960 ở tuổi 101.
  • Năm 1925, gian nhà triển lãm L’Esprit Nouveau của ông được đặt ở vị trí khá khuất nẻo trong triển lãm quốc tế “Arts Decoratifs et Industrielles Modernes” chỉ vì “nhiều người có định kiến với chúng”.
  • Năm 1926, ông gặp bế tắc với các nhà chức trách Pessac, gần Bordeaux, về dự án xây dựng một thành phố có 40 ngôi nhà dành cho các công nhân. Các nhà chức trách không thích thiết kế và màu sắc nên họ từ chối cấp nước đến khu vực này. Các tòa nhà bị bỏ hoang trong suốt 6 năm.
  • Năm 1928, ông xây dựng tòa nhà Tsentrosoyuz tại Moscow và sau đó là Pavillon Suisse trong cư xá đại học quốc tế Paris.
  • Năm 1987, chương trình quảng cáo của Kodak có sự tham gia của chú chó Bill Cosby và chiếc ghế do Corbusier thiết kế. Thiết kế ban đầu của chiếc ghế xuất hiện vào năm 1928, Le Coirbusier đã thiết kế nó cho một ngôi nhà ở ngoại ô Paris.
  • Năm 1929, Le Corbusier bay từ Buenos Aires đến Asuncion (Paraguay) với nhà văn – phi công nổi tiếng Antoine de Saint-Exupéry, tác giả cuốn sách “Hoàng tử bé”.
  • Năm 1929, trên hành trình đến Rio, ông gặp Josephine Baker và trúng tiếng sét ái tình với bà. Tuy nhiên, ông sẽ kết hôn với Yvonne Gallis, một người mẫu Monaco, vào năm sau.
  • Kế hoạch về một “thành phố hoa lệ” (La Ville Radieuse) của ông được dựa theo kế hoạch của nhà quy hoạch đô thị Madrid và được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1930 tại Moscow.
  • Họa sĩ siêu thực người Chile Roberto Matta – cha ruột của nghệ sĩ Gordon Matta-Clark – đã làm việc cho Le Corbusier vào cuối những năm 1930.
  • Năm 1934, ông được Benito Mussolini mời tới giảng dạy tại Rome.
  • Thực tế rằng kính của Philip Johnson có nhiều điểm giống với chiếc của Le Corbusier không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Năm 1934, lấy cảm hứng từ chữ ký của Le Corbusier, Johnson thiết kế chiếc kính của mình và giao cho Cartier thực hiện.
  • Năm 1935, Le Corbusier có một bài giảng mang tên “Sự lãng phí lớn lao” (Le grand gaspillage) ở Chicago và Baltimore. Ông tin rằng thời đại máy móc thời kỳ đầu đã dẫn đến khủng hoảng thừa, lãng phí và suy đồi.
  • Năm 1936, ông đến Brazil bằng tàu sân bay Đức Graf Zeppelin. Chuyến bay trên chiếc máy bay sử dụng nhiên liệu hydro này mất gần 5 ngày.
  • Năm 1936, ông đã thiết kế một sân vận động cho 100.000 khán giả nhưng nó đã không được xây dựng. Dự kiến đặt tại Paris, dự án được gọi là Trung tâm thể thao và giải trí quốc gia và có vẻ nó sẽ được xây theo kiểu dốc thoai thoải.
  • Năm 1938, Le Corbusier bị mắc kẹt dưới một chiếc thuyền đang chạy và cánh quạt quay đã làm chân ông bị thương nặng. Chúng ta có thể nhìn thấy vết sẹo lớn trong bức ảnh khỏa thân nổi tiếng của Corb.
  • Năm 1940, Le Corbusier đóng cửa văn phòng ở Paris. Ông đến Pyrenees cùng vợ và em họ. Sau đó ông đến Vichy. Tại đây ông đã thử nhưng thất bại trong việc bán ý tưởng về một “nhà máy xanh” và ý tưởng xây dựng ngôi nhà “murondin”. Ông viết cho mẹ mình: “Nếu thị trường trung thực, Hitler có thể xây dựng thành tựu của mình: tổ chức lại châu Âu”.
  • Vào đầu những năm 1940, Le Corbusier được chính quyền Vichy giao vị trí trong ban quy hoạch đô thị và thực hiện giám sát thiết kế cho nhiều thành phố khác nhau, trong đó có Algiers. Khi kế hoạch của ông bị từ chối, Le Corbusier đã rút lui khỏi đời sống chính trị.
  • Năm 1946, ông đến Princeton, New Jersey và gặp Albert Einstein.
  • Năm 1947, ông tham gia vào nhóm 10 kiến trúc sư quốc tế tư vấn thi công cho trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York.
  • Năm 1950, phác thảo lần đầu cho nhà thờ Ronchamp (hoàn thành vào năm 1955). “Nhà thờ sẽ không được trang trí, tại sao chúng ta cần trang trí trong khi chính tòa nhà là một yếu tố tạo hình?”
  • Năm 1951, ông bị loại khỏi cuộc thi xây dựng trụ sở UNESCO ở Paris.
  • Năm 1951, người kiến trúc sư tự học này nói với BBC rằng “Tôi không thích trường học. Tôi thừa nhận rằng tôi bỏ học từ năm 13 tuổi vì trước kia trường học rất tệ, đến trường chẳng vui chút nào hết”.
  • Năm 1952, khánh thành Cité Radieuse: “Tôi rất vinh dự được gửi tới các bạn khu vực có kích cỡ hoàn hảo cho dân cư ở đây và đây cũng là nơi đầu tiên trên thế giới triển khai một hình thức không gian sống hiện đại”.
  • Năm 1956 ông từ chối vị trí giảng viên tại trường Beaux-Arts.
  • Năm 1956, theo lệnh của vua Faisal II, Le Corbusier thiết kế một phòng tập thể dục cho thành phố Baghdad. Nó được xây dựng 13 năm sau cái chết của Le Corbusier và được đặt theo tên của Saddam Hussein.
  • Ngày 5/10/1957, vợ ông qua đời. “Người phụ nữ với trái tim vĩ đại, người phụ nữ chính trực và thuần khiết. Thiên thần hộ mệnh của gia đình tôi trong suốt 36 năm.”
  • Jørn Utzon, kiến trúc sư của Nhà hát Opera Sydney nổi tiếng thế giới, đã dự định treo một tấm thảm do Le Corbusier thiết kế ở bên trong tòa nhà. Khi Utzon rời dự án vào năm 1966, ông giữ các tấm thảm mà ông đã đặt mua vào năm 1958 tại nhà riêng của mình. Gần bảy năm sau cái chết của Utzon, vào tháng 6 năm 2015, Nhà hát Opera Sydney đã mua tấm thảm từ khối tài sản của Utzon và công bố kế hoạch treo chúng trong tiền sảnh của phòng bán vé chính.
  • Đến nay, tác phẩm đắt giá nhất của Le Corbusier từng được bán đấu giá là “Femme”, một bức tượng gỗ hoàn thành vào năm 1962 và được bán tại Christie (Zurich, Đức) với giá 3,1 triệu Franc (3,3 triệu $).
    Ngày 27/8/1965, bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sĩ, Le Corbusier đi bơi ở vùng biển Địa Trung Hải gần ngôi nhà yêu thích của mình ở miền Nam nước Pháp. Thi thể của ông được tìm thấy tại đây.
  • Năm 1965, tang lễ của ông được tổ chức tại sân trong của lâu đài Louvre.
  • Mặc dù Salvador Dalí một phần nào đó cũng coi Le Corbusier là “bạn”, ông đã vượt quá giới hạn của những lời khen về Le Corbusier sau khi Corb mất vào năm 1965. Dalí gọi các công trình của Corb là “xấu xí và không thể chấp nhận được” và nói rằng “cái chết của Le Corbusier đối với tôi là một niềm vui to lớn, ông ấy là một sinh vật đáng thương làm việc với bê tông cốt thép”. Tuy vậy, thái độ khinh thị của Dalí cũng không ngăn việc ông đặt một bó hoa trên mộ của Le Corbusier, bởi “một mặt tôi ghét ông ấy nhưng mặt khác tôi thừa nhận mình là một kẻ hèn nhát”.

29 điều chưa biết về Le Corbusier

  1. Le Corbusier đã chính thức lấy bút danh của mình (bắt nguồn từ họ của bà ông) sau khi đưa ra một bản tuyên ngôn, đồng sáng tác với nghệ sĩ Amédée Ozenfant, gọi là “Aprés le Cubisme”. Mặc dù ông là một họa sĩ lập thể vào thời điểm đó, ông cảm thấy trường phái hội họa Lập thể đã trở nên quá viển vông. Vì thế, bản tuyên ngôn chính là bài thơ ca ngợi một phong trào nghệ thuật mới: chủ nghĩa thuần túy.
  2. Le Corbusier “bị ám ảnh về việc bảo quản từng lá thư, bản vẽ và ảnh chụp để truyền lại cho những người đi sau.”
  3. Trước khi chuyển sang làm kiến trúc Le Corbusier đã học nghề điêu khắc hộp đựng đồng hồ đeo tay.
  4. Le Corbusier và công trình của ông được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 10 Fr. của Thụy Sĩ.
  5. Có những con phố mang tên ông nằm ở Argentina và Canada.
  6. Le Corbusier “ủng hộ mối quan hệ trực tiếp giữa kiến trúc, đô thị và nhà nước với niềm tin rằng cải cách xã hội sẽ xảy ra.” Những thành viên CIAM bạn bè của ông không hẳn là có cùng niềm tin này.
  7. Ông là một trong số những người gửi bản thiết kế cho dự án lâu đài của Xô Viết ở Moscow.
  8. Le Corbusier nói rằng chiếc ghế dài nổi tiếng mà ông thiết kế cùng với Pierre Jeanneret và Charlotte Perriand được lấy cảm hứng từ hình ảnh những chàng cao bồi gác chân lên mặt bàn.
  9. Ông đã khắc một dòng chữ trên vỉa hè của Battery Park City: “Cứ mỗi một trăm lần tôi nghĩ về New York như một thảm họa, có đến năm mươi lần tôi tự nhủ rằng New York là một thảm họa đẹp”.
  10. Mặc dù ông đổ lỗi cho sự thừa thãi của cuộc cải cách đô thị giữa thế kỷ, ông đã thất bại trong việc hẹn gặp những người có thẩm quyền trong vấn đề nhà ở trong chuyến thăm các thành phố dọc theo nước Mỹ.
  11. Le Corbusier nhận định sự nghiệp của mình chứa đầy sự thất bại, sau này ông nói rằng: “Cuộc sống luôn đúng còn kiến trúc sư thì ngược lại.”
  12. Ông tuyên bố rằng thiết kế quy hoạch đô thị của Rio de Janeiro được phác thảo ở trên một chiếc máy bay.
  13. Mặc dù ông thiết kế cho rất nhiều dự án xây dựng tại Mỹ nhưng có duy nhất một công trình mà không phải ai cũng biết, đó là: Trung tâm làm đồ gỗ trực thuộc bộ môn Nghệ thuật Thị giác – Đại học Havard.
  14. Guillame Jullian, một đồng nghiệp của Le Corbusier, nhớ lại, “Le Corbusier nói với tôi rằng Trung tâm Nghệ thuật Thị giác là công trình ở Mỹ duy nhất của ông, và rằng ông đã đặt tất cả tâm huyết kiến trúc của mình trong đó.”
  15. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã hủy bỏ chiến dịch quảng cáo có sự góp mặt của ông. Một lần nữa gây chú ý khi xuất hiện trong cuốn tiểu sử của ông năm 2008, bức thư gửi cho cá nhân ông nói rằng ông ấy là “người theo phe Đức quốc xã” và do vậy ngân hàng quyết định loại ông ấy khỏi chiến dịch quảng cáo.
  16. Tờ New York Times đã đưa tin rằng thiết kế cảnh dựng cho vở nhạc kịch Aida của Disney được lấy cảm hứng từ công trình của Le Corbusier.
  17. Nói về thiết kế của Le Corbusier cho công trình Chandigarh, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru cho biết: “Điều quan trọng nhất về Chandigarh không phải là về việc bạn có thích nó hay không, mà về việc nó chạm vào tâm trí của bạn và làm cho bạn phải suy ngẫm.”
  18. Le Corbusier và vợ ông có một chú chó – giống Schnauzer lông đen tên là Pinceau.
  19. Khi Pinceau chết, ông lột da chú chó và liên hệ vấn đề của Don Quixote với bộ lông của con chó.
  20. Khi đến New York lần đầu tiên ông đã viết một vài dòng tít vì ông nghĩ rằng các tòa nhà chọc trời cần “lớn hơn và cách xa hơn nữa”.
  21. Văn phòng của Le Corbusier không có cửa sổ và được lắp điều hòa không khí. Bằng cách này, ông tin rằng khách hàng của mình sẽ nói chính xác và khách quan hơn.
  22. Với vai trò là một nhà quy hoạch đô thị, những lý luận của Le Corbusier vẫn được tranh cãi sôi nổi, và có lẽ không có ai vượt qua Jane Jacobs: Utopia của Le Corbusier là trạng thái ông gọi là sự tự do tối đa, qua đó dường như ý của ông là tự do không phải là để làm bất cứ thứ gì đáng kể, tự do ở đây là thoát khỏi những trách nhiệm thông thường. (Nd – Utopia là điều không tưởng)
  23. Sau cuộc gặp Josephine Baker trên một con tàu lớn từ Nam Mỹ đến châu Âu, Le Corbusier đã vẽ một bản phác thảo khỏa thân nữ diễn viên nổi tiếng này.
  24. Le Corbusier rất quan tâm đến hình ảnh Bàn tay mở, ông đã thực hiện nhiều tác phẩm điêu khắc về hình ảnh đó trong suốt cuộc đời mình. Ông gọi đó là một “dấu hiệu của hòa bình và hòa hợp […] hình ảnh này mang ý nghĩa nhận được sự giàu có, và mang chúng đến mọi người trên thế giới. Nó nên trở thành biểu tượng của thời đại chúng ta”.
  25. Khi Le Corbusier kết hôn với người mẫu thời trang Yvonne Gallis, ông vẫn duy trì mối quan hệ với người thừa kế Thụy Điển – Mỹ Marguerite Tjader Harris.
  26. Le Corbusier thiết kế cho thành phố đầu tiên được quy hoạch ở Ấn Độ – Chandigarh. Bố cục dựa trên dự án ông đề xuất trong cuốn :La Ville Radieuse” (Thành phố hoa lệ), và bản thân nó là bản cải tiến dựa trên ý tưởng về Ville Contemporaine.
  27. Câu nói nổi tiếng của Le Corbusier, “Kiến trúc hay Cách mạng”, đến từ niềm tin của ông rằng một nền kiến trúc công nghiệp hóa và hiệu quả là con đường duy nhất để tránh cuộc cách mạng phân chia giai cấp. Lập luận của ông được củng cố trong cuốn sách của mình, “Vers une architecture” (Hướng tới một kiến trúc) và lên đến đỉnh điểm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Villa Savoye.
  28. Le Corbusier đã hợp tác với các kiến trúc sư Charlotte Perriand và em họ của ông – Pierre Jeanneret để thiết kế đồ nội thất hiện đại và mang tính biểu tượng. Ông cho rằng: “Ghế cũng là một kiểu kiến trúc, còn sofa là tư sản”.
  29. Triết lý thiết kế của Le Corbusier được lấy cảm hứng từ khái niệm toán học được Leonardo Da Vinci sử dụng, chẳng hạn như tỷ lệ vàng và dãy Fibonacci. Ông thường xuyên sử dụng chúng làm cơ sở cho tỷ lệ kiến trúc của mình.

Nguồn:Archdaily

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Quý khách vui lòng nhận đầy đủ thông tin 



    0918.02.02.78
    Chat Zalo
    Gọi điện ngay